Theo Tổng cục Thống kê, tháng 8/2022 Việt Nam xuất khẩu khoảng 12.000 tấn chè, đạt 21 triệu USD, tăng lần lượt 16% và 22,6% so với cùng kỳ năm 2021.
Tính chung 8 tháng đầu năm, Việt Nam xuất khẩu ước đạt 78.000 tấn chè với trị giá 135 triệu USD, giảm 2,2% về lượng và 1,6% về trị giá.
Về giá xuất khẩu, Bộ Công Thương thông tin, trong tháng 8/2022 giá xuất khẩu chè bình quân đạt 1.781 USD/tấn, tăng 56% so với tháng 8/2021. Tính chung 8 tháng đầu năm 2022, giá chè xuất khẩu bình quân ước đạt 1.727,8 USD/tấn, tăng 3,8% so với cùng kỳ năm 2022.
Mức tăng trưởng này xuất phát từ việc cùng kỳ năm ngoái, dịch bệnh đã khiến tình hình hoạt động sản xuất và xuất khẩu mặt hàng chè bị ảnh hưởng. Điều này đã dẫn tới lượng và trị giá xuất khẩu chè trong tháng 8/2021 ở mức thấp.
Trung Quốc và Đài Loan là hai thị trường xuất khẩu chè ô long lớn nhất
Về cơ cấu chủng loại chè xuất khẩu, chè xanh và chè đen là hai chủng loại xuất khẩu chính, chiếm 89% tổng lượng chè xuất khẩu. Tuy nhiên, trong khi xuất khẩu chè xanh ghi nhận tốc độ tăng trưởng cả về lượng và trị giá thì chè đen lại giảm mạnh về trị giá và lượng. Cụ thể, 7 tháng đầu năm, chè xanh đạt 30.913 tấn và 57 triệu USD, tăng lần lượt 7,9% và 7%; chè đen đạt 27.983 tấn và 41 triệu USD, giảm lần lượt 15,3% và 12.6%.
Trong số các chủng loại chè, chè ô long là mặt hàng chè xuất khẩu có mức tăng trưởng cao nhất cả về lượng và trị giá, lần lượt tăng 69,7% và 162,9%.
Về giá xuất khẩu chủng loại chè, giá chè xanh xuất khẩu bình quân có chiều hướng giảm nhẹ khoảng -0,8% so với cùng kỳ năm 2021. Trong khi đó, xuất khẩu các mặt hàng chè khác đều tăng trưởng tốt, đặc biệt là chè ô long, tăng 54,9%. Hiện chè ô long chủ yếu xuất khẩu sang thị trường Đài Loan và Trung Quốc, chiếm tới 97% tổng lượng chè ô long xuất khẩu.
Về thị trường xuất khẩu, 7 tháng đầu năm Pakistan là thị trường xuất khẩu chè lớn nhất của Việt Nam, đạt 49,6 triệu USD, tương ứng chiếm 36% tổng kim ngạch xuất khẩu chè của Việt Nam. Tiếp theo là thị trường Đài Loan, đạt 14,7 triệu USD; Nga đạt 8,9 triệu USD; Trung Quốc đạt 6,8 triệu USD…
Trong số các thị trường xuất khẩu chính, Arab Saudi có mức tăng trưởng cao nhất với mức +60%; tiếp theo là Malaysia +28%. Tuy nhiên, nhìn chung xuất khẩu chè sang các thị trường khác lại ghi nhận giảm so với cùng kỳ năm 2021, lần lượt tại các thị trường Trung Quốc -32%; Nga -25%; Iraq -22%; Ấn Độ -19%…